Đỗ trọng còn được gọi là tư trọng hoặc ty liên bì. Tên khoa học: *Eucommia ulmoides* Oliv., là một loại cây được di thực, thường mọc ở độ cao trên 1.200m, có tại các tỉnh như Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang và Hòa Bình. Phần được sử dụng làm thuốc là vỏ thân đã được phơi hoặc sấy khô.
Theo y học cổ truyền, đỗ trọng có vị ngọt hơi cay, tính ôn, đi vào kinh can và thận, có tác dụng ôn thận, tráng dương, giúp mạnh gân cốt, an thai, hạ huyết áp, giảm cholesterol trong máu, trấn tĩnh, giảm đau và còn có khả năng lợi niệu, chống viêm. Vì vậy, đỗ trọng rất tốt cho các trường hợp can thận hư yếu, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, điếc tai, đau lưng, mỏi gối, liệt dương, di tinh, di niệu; phụ nữ có thai suy nhược, động thai, hoặc dọa sẩy thai; và người bị tăng huyết áp.
Một số món ăn bài thuốc ôn thận tráng dương từ đỗ trọng:
1. Cật lợn xào om tiềm nước đỗ trọng:
– Nguyên liệu: Đỗ trọng 16 – 20g, cật lợn 1 đôi.
– Cách chế biến: Đỗ trọng nấu lấy nước, bỏ bã. Thêm bột gạo, dấm, dầu ăn, mắm, đường, gia vị vào nước đỗ trọng để tạo thành nước canh. Cật lợn bóc bỏ màng, làm sạch, thái lát. Xào cật lợn với gừng, hành, tỏi và gia vị cho chín. Sau đó, đổ nước canh đỗ trọng và một chút dấm vào thành bên chảo, vặn nhỏ lửa và đun cho đến khi nước sôi lăn tăn, đảo nhẹ vài lần là hoàn thành. Món ăn này dành cho người bị đau lưng, đau thần kinh tọa.
2. Xương lợn hầm đỗ trọng, kỷ tử:
– Nguyên liệu: Đỗ trọng 15g, kỷ tử 30g, xương sống lợn 100g, đường phèn lượng vừa đủ.
– Cách chế biến: Đỗ trọng và kỷ tử nấu lấy nước, bỏ bã. Nước thuốc này được ninh cùng xương sống lợn (ban đầu đun to lửa, sau giảm nhỏ) cho đến khi xương mềm, bỏ xương. Thêm đường phèn, khuấy đều thành canh súp. Ăn khi đói, mỗi ngày sáng và chiều 1 bát nhỏ, trong 10 ngày liên tục. Món này tốt cho người đau lưng mỏi gối, run yếu chân.
3. Cháo đỗ trọng đại táo:
– Nguyên liệu: Gạo nếp 100g, đại táo 10 trái, đỗ trọng 16g.
– Cách chế biến: Đại táo và đỗ trọng nấu lấy nước, bỏ bã. Sau đó, cho gạo nếp vào nước này nấu thành cháo. Ăn vào sáng và chiều khi đói (mỗi ngày 2 lần). Món ăn này giúp bổ thận, an thai, đặc biệt tốt cho phụ nữ mang thai bị đau lưng, động thai.
4. Canh súp thịt nạc, đỗ trọng, hồ đào:
– Nguyên liệu: Thịt lợn nạc 120g, đỗ trọng 16g, hồ đào nhục 12g.
– Cách chế biến: Thịt lợn rửa sạch, thái lát. Đem đỗ trọng, hồ đào nhục và thịt lợn nấu chung với nước cho đến khi chín nhừ. Thêm gia vị vừa ăn. Món ăn này phù hợp với người bị thận hư, đau lưng, mỏi gối, cơ thể suy nhược, giảm cân, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, liệt dương, di tinh. Ngoài ra, còn tốt cho người cao tuổi bị thận hư, táo bón, tiểu khó, và di niệu.
Kiêng kỵ: Những người bị âm hư, có nhiệt không nên sử dụng món này.
Lưu ý: Trên thị trường có nhiều vị thuốc mang tên “Đỗ trọng nam”. Các vị thuốc này là vỏ thân cây khi bẻ có các sợi tơ màu trắng, thường được lấy từ các loài như cây đỗ trọng nam (*Paramerria glandulifera* Benth.), thuộc họ trúc đào (Apocynaceae); vỏ cây san hô (*Jatropha multifida* L.), thuộc họ thầu dầu (Euphorbiaceae); và vỏ cây cao su (*Hevea brasilenssis* (HBK.) Muell. – Arg.), thuộc họ thầu dầu (Euphorbiaceae). Hiện nay, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh tác dụng của các vị thuốc này thay thế cho đỗ trọng. Do đó, cần cẩn trọng khi sử dụng để tránh nhầm lẫn.